Chi tiết tin - Xã Triệu Phước - Triệu Phong

 

Hình ảnh
Video clip
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập 3
  • Hôm nay 8
  • Tổng truy cập 575.684

Cù lao thương nhớ

Post date: 05/10/2023

Thuyền chài trên sông Thạch Hãn chuẩn bị ghé cù lao bán cá, tôm. Ảnh: YMS

Cù lao Bắc Phước (Triệu Phước, Triệu Phong, Quảng Trị) “bé bằng bàn tay”, cồn đất nằm ở giữa sông, với mấy “sải tay” là có thể ra biển Cửa Việt. Mảnh đất nhỏ bé này là nơi ấp ủ nhớ thương của những người con xa quê và nơi lưu luyến của lữ khách sau một lần ghé chân…

Về Bắc Phước cũng có thể đi đò dọc - đò từ chợ Đông Hà chạy theo sông Hiếu về các xã dưới này. Đò chạy ngày hai chuyến, mỗi chuyến mất từ 45 phút đến một giờ đồng hồ mới đến nơi. Bây giờ, nếu có tua du lịch trải nghiệm sông Hiếu - Thạch Hãn - cù lao Bắc Phước như trước đây đi đò dọc, tin rằng sẽ có nhiều người tham gia!

Bắc Phước nổi tiếng với những món ngon được người đời truyền tụng. Trong đó phải kể đến cá bống thệ nấu canh dưa chua. Món này có khả năng “vang xa” tận thành phố Đông Hà, xa hơn nữa đến biên giới Lao Bảo. Chẳng biết món canh này ngon do bởi đâu. Nhưng phải là người Bắc Phước, nấu tại Bắc Phước nó mới đúng điệu.

Lý giải điều này, người dân ở đây cho biết, ngoài nguyên liệu cá tươi ra, phải kể đến dưa chua và nguồn nước. Ba thứ ấy mới quyết định được món canh ngon hay không. Và rồi họ giải thích, mạch nước chua phèn ở cù lao này làm nên sự khác biệt ấy. Nước chua phèn làm ra thứ dưa ngon, giòn hơn các vùng khác. Món canh cá bống thệ dưa chua nấu thật cay, đang ăn mà mồ hôi tháo như tắm mới đúng cốt cách cù lao.

Ngày xưa, chỉ cần đi dọc bờ sông, lật những viên đá gần mép nước, đi hơn trăm mét là có thể bắt trên dưới mười con cá bống thệ. Chỉ cần một nắm dưa chua, nếu không thì một nắm cà chua gạo sẽ làm một tô canh ngon tuyệt.

Tô canh cá do người cù lao nấu đãi khách. Ảnh: YMS.

Những người xuất thân từ cù lao, đi cùng trời cuối đất khi về làng, bữa cơm đoàn viên làm sao cũng phải có được bát canh chua. Thứ canh đã thấm vào máu thịt của người xứ này. Còn những người xa đến đây ăn một lần rồi nhớ mãi. Thế nên chú tôi hay kể chuyện có ông bạn làm Chủ tịch huyện ở miền núi. Trước khi ghé cù lao đều “alo” trước cho ông chú, dặn nấu cho bữa cơm rau, cá tươi và nhất định có món canh chua. Khi bữa cơm dọn ra, ông Chủ tịch huyện bảo, chừ (bây giờ) mi đừng nói chi hết để tao tập trung ăn món canh này ạ. Phải tập trung để thẩm thấu hết vị ngon của nó mới đúng bài.

Cũng với người này, chú tôi kể khi thức ăn đã hết mà “chưa bưa cái miệng”, ông này bảo: còn cái nồi kho cá dưới phải không? Đưa lên đây, cá ngon như thế này mà không bỏ cơm tra (tráng) nồi thì uổng lắm.

Buổi sáng trên cù lao rất nhộn nhịp. Tiếng đò máy tành tạch hòa vào tiếng í ơi của phiên chợ sớm. Chợ nằm bên mép sông, là nơi cung cấp cá tươi cho miền núi Quảng Trị. Vài chục chiếc thuyền chài đánh bắt suốt đêm giờ gom hàng lên chợ bán. Cá tươi nhảy long chong đủ các loại. Thiên nhiên đã ban tặng nơi này một hệ sinh thái nước lợ với nhiều tôm cá phong phú. Người sành ăn, khi ăn con cá dìa ở đầm cù lao Bắc Phước sẽ khẳng định có vị lạ và ngon hơn vùng phá Tam Giang xứ Huế hay các vùng khác.

Chợ Bắc Phước nằm bên mép sông Thạch Hãn. Ảnh: YMS

Từ cửa biển đi lên, độ mặn của nước giảm dần nên có nhiều loài cá khác nhau cư ngụ. Ngoài cá tôm, nguồn nước lợ rất thích hợp với loài rong câu phát triển. Và đây cũng là đặc sản của đất cù lao. Rong câu sau khi phơi khô từ màu đen chuyển sang vàng là có thể đem chế biến.

Rong câu có thể hấp chấm nước tương, rong câu nấu canh… Nhưng tất cả đều không thể sánh với món rong câu trộn da heo, đậu phụng. Dễ dàng thấy món này qua mâm cơm của từng gia đình. Đặc biệt, nó như món truyền thống của đất này, thế nên trong mọi tiệc giỗ, chạp đều có mặt và được thực khách “đặt đũa” nhiều nhất.

Mỗi cái Tết tôi thường ghé về nơi này để tìm sự tinh khôi của mùa Xuân. Giữa màn sương rét ngọt, nhìn ra sông Hãn mờ ảo trong mùi hương tảo mộ. Rồi cởi giày ra, đi chân trần trên nền cỏ xanh ngắt để nghe bàn chân thấm từng “milimet hương quê”.

Bữa cơm chiều đoàn viên trên chiếc chiếu lác nơi hiên nhà cũ. Chén rượu quê nồng nàn, ấm áp như liều thuốc tiên xoa dịu những ngày thương nhớ, thậm chí những lo âu, mệt nhọc trên hành trình mưu sinh.

Cồn Đống ở bến đò làng An Cư xưa, nơi đợi đò để qua Bắc Phước. Ảnh: Cù lao Bắc Phước

Về cù lao đi dạo một vòng quanh bờ đê dài chừng 7 cây số sẽ cảm nhận phong cảnh sông nước thanh bình không dễ tìm thấy ở nơi khác. Rừng cây bần chua bao quanh, dưới nước cá vùng, cua đam bò lổn nhổn như muốn lên bờ cùng người. Trên trời, cò, sếu bay về đậu lấm tấm trắng trên cánh rừng bần xanh ngắt.

Ngó về Cửa Việt, phóng tầm mắt ra biển xanh biếc. Chỉ cách thành phố Đông Hà chưa đầy 10 cây số theo đường chim bay nên đi lại cũng khá dễ dàng. Bốn bề sông nước đã làm nên cốt cách con người xứ này phóng khoáng, mến khách. Họ hào sảng như người miền Tây Nam bộ. Cứ lấy lòng mình trải ra hết mà sống. Có con cá dưới sông vừa đánh bắt, thò tay lấy chai rượu dắt trên mái (lều chăn nuôi) là có thể thiết đãi khách. Để rồi câu chuyện vui trên chiếu rượu, cái khà nhăn mặt cay nồng cùng với những cử chỉ đầy khí chất tiêu dao của gia chủ cũng say lòng người lữ thứ.

Để rồi gửi lại ân tình ấy mà chia xa, bước chân rời đi như có ai níu lại. Một đùm cá bống thệ, một đùm dưa chua và một lít nước giếng. “Cầm đi, lên nhà nấu thêm một bữa nữa mà ăn cho “đạ sèm” (đỡ thèm). Và rồi, những người con xa cù lao đã mang theo nỗi thèm khát quê nhà, nỗi thèm khát món canh chua ấy trên hành trình năm rộng tháng dài của tân niên.

 

More