Chi tiết tin - Xã Triệu Phước - Triệu Phong

 

Hình ảnh
Video clip
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập 4
  • Hôm nay 114
  • Tổng truy cập 578.635

Củng cố hợp tác xã để xây dựng nông thôn mới

Post date: 10/07/2022

Thực hiện tiến trình đổi mới và hội nhập kinh tế, thời gian qua hầu hết các hợp tác xã (HTX) trên địa bàn huyện Cam Lộ (Quảng Trị) đã thực hiện chuyển đổi sang mô hình HTX kiểu mới. Nhờ vậy, các HTX đã phát huy được vai trò tự chủ trong quá trình tổ chức sản xuất, kinh doanh và dịch vụ, tạo nên những chuyển biến tích cực. Số lượng và chất lượng các dịch vụ cung cấp của HTX từng bước nâng lên, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao cho xã viên, góp phần tích cực vào quá trình triển khai chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới (NTM) tại các địa phương.

Củng cố hợp tác xã để xây dựng nông thôn mới

Được thành lập từ năm 2011, HTX Quật Xá (xã Cam Thành) có 32 xã viên, vốn điều lệ là 24 triệu đồng. Ban đầu, HTX chủ yếu hoạt động trên một số dịch vụ chủ yếu như thủy lợi, bảo vệ thực vật, bảo vệ hoa màu, vật tư phân bón. Tuy nhiên, từ năm 2011-2014, HTX Quật Xá chỉ duy trì hoạt động của 1 dịch vụ duy nhất là thủy lợi, các dịch vụ còn lại hầu như hoạt động không hiệu quả do thiếu vốn và không thể cạnh tranh được tư thương bên ngoài. Do vậy, nhiều năm liền HTX Quật Xá được xếp vào loại yếu kém của tỉnh, đứng trước nguy cơ giải thể.
Trước tình hình đó, Ban chỉ đạo kinh tế tập thể huyện Cam Lộ đã phối hợp chặt chẽ với Đảng ủy, UBND xã Cam Thành tiến hành tổ chức củng cố, chuyển đổi HTX Quật Xá theo mô hình HTX kiểu mới theo Luật HTX năm 2012. Theo đó, huyện tiến hành hợp đồng 1 cán bộ có trình độ đại học về địa phương trực tiếp làm Phó Giám đốc HTX. Để có vốn giúp HTX hoạt động, các cán bộ quản lý HTX Quật Xá đã dùng sổ đỏ cá nhân vay vốn ngân hàng để kinh doanh dịch vụ phân bón, mua máy cày làm đất và làm dịch vụ thủy lợi. Nhờ củng cố hoạt động nên đến nay tất cả các dịch vụ của HTX đều phát huy hiệu quả, HTX Quật Xá bước đầu đã ổn định hoạt động, tạo lòng tin đối với xã viên.

Cũng như HTX Quật Xá, trước đây 2 HTX Bích Giang và Vĩnh An, xã Cam Hiếu có quy mô nhỏ, thiếu vốn sản xuất, nợ đọng kéo dài, trình độ cán bộ quản lý còn hạn chế. Năm 2011, huyện Cam Lộ có kế hoạch giải thể 2 HTX trên để thành lập 1 HTX mới là Hiếu Nam. Khi đăng ký thành lập mới năm 2013, HTX Hiếu Nam có 329 xã viên đăng ký tham gia. Đến nay, HTX đã có 55 xã viên chính thức đóng cổ phần. Sau hơn 1 năm đi vào hoạt động, HTX đã thực hiện tốt công tác điều hành sản xuất trên địa bàn, làm tốt các khâu dịch vụ như làm đất, thu hoạch, thủy lợi, đặc biệt đến nay HTX không có nguồn nợ đọng. Theo kế hoạch, trong năm 2015, HTX Hiếu Nam sẽ thực hiện vay vốn ngân hàng để kinh doanh phân bón, góp phần bình ổn giá cả trên thị trường, có kế hoạch huy động thêm vốn của xã viên để tăng cường vốn điều lệ của HTX.

Được biết, toàn huyện Cam Lộ hiện có 18 HTX, trong đó có 15 HTX nông nghiệp, đến hết năm 2014 đã chuyển đổi được 14/15 HTX nông nghiệp, trong năm 2015 sẽ tiến hành chuyển đổi 1 HTX còn lại. Hoạt động các dịch vụ của một số HTX vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như quy mô và doanh số nhỏ, hoạt động cung cấp các dịch vụ cho kinh tế hộ xã viên, hộ nông dân mới chỉ chủ yếu dừng lại ở các dịch vụ đầu vào, ở một số khâu thiết yếu. Chất lượng dịch vụ ở nhiều HTX chưa đáp ứng yêu cầu xã viên. Hiệu quả sản xuất, kinh doanh, dịch vụ còn thấp, chưa đủ sức cạnh tranh trên thị trường, chưa có sự hấp dẫn, lôi cuốn xã viên và người lao động gắn bó tích cực xây dựng HTX...

Trước thực trạng đó, Ban chỉ đạo kinh tế tập thể huyện đã chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, tư vấn, hướng dẫn, trợ giúp các HTX nông nghiệp trong việc thực hiện chuyển đổi và nâng cao hiệu quả hoạt động, nhất là chú trọng củng cố các HTX yếu kém. Nhờ vậy, sau khi thực hiện chuyển đổi, cơ bản các HTX trên địa bàn huyện được củng cố hoạt động, đội ngũ cán bộ HTX đã thay đổi nhận thức trong cách quản lý, nâng cao hiệu quả hoạt động, giảm công nợ.

Ngoài các dịch vụ bắt buộc, một số HTX đã mở rộng các loại hình dịch vụ mang tính kinh doanh thương mại, tạo được lợi thế cạnh tranh như dịch vụ cung ứng vật tư phân bón. Nhiều HTX đã chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tích cực tìm kiếm thị trường, huy động các nguồn lực, tổ chức đổi thửa dồn điền, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi thích hợp với điều kiện tự nhiên, mùa vụ và lợi thế so sánh của từng vùng. HTX đã thực sự trở thành “ bà đỡ” cho kinh tế hộ, kinh tế trang trại.

Nhờ sản xuất, kinh doanh phát triển, nhiều HTX đã tham gia giải quyết có hiệu quả các vấn đề kinh tế, xã hội, góp phần tích cực thực hiện các chương trình xóa đói giảm nghèo và an sinh xã hội, thực hiện có hiệu quả các tiêu chí trong chương trình MTQG xây dựng NTM tại nhiều địa phương.